Sau 12 giờ thảo luận căng thẳng, cuộc đàm phán marathon giữa Nga và Mỹ đã kết thúc vào ngày 24/3 tại Saudi Arabia, tập trung vào giải quyết xung đột tại Ukraine và an ninh hàng hải ở Biển Đen. Cuộc đàm phán này là một phần trong nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình rộng rãi hơn.
Trước đó một ngày, tại Saudi Arabia, Mỹ và Ukraine cũng đã tiến hành cuộc đàm phán tập trung vào các vấn đề liên quan, với trọng tâm là đạt được một thỏa thuận về an ninh hàng hải trên Biển Đen để đảm bảo hoạt động vận tải thương mại tự do. Nhà Trắng cho biết đàm phán đã có tiến triển và sẽ sớm đưa ra thông báo tích cực.
Đánh giá về thiện chí của Nga, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff cho biết: “Tôi cảm thấy rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn hòa bình. Tổng thống Donald Trump đã có hai cuộc điện đàm hiệu quả, một với Nhà lãnh đạo Nga và một với Tổng thống Zelensky. Tất cả đều nói về một nền hòa bình lâu dài. Rất nhiều tiến triển đã đạt được… Bạn không thể kết thúc cuộc xung đột nếu không giao tiếp với cả hai bên, hiểu được nhu cầu của họ và sau đó tìm cách đưa họ lại gần nhau hơn.”

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, Grigory Karasin, đã mô tả các cuộc đàm phán là “sáng tạo”, trong đó hai bên thảo luận về những vấn đề “gây khó chịu” trong quan hệ song phương. Một dự thảo tuyên bố chung đã được gửi tới Nga và Mỹ để phê duyệt và dự kiến sẽ được công bố vào ngày 25/3.
Về mặt an ninh hàng hải trên Biển Đen, một phần trong cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga và Ukraine, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thỏa thuận trước đây của Liên Hợp Quốc về vận chuyển Biển Đen không đáp ứng được yêu cầu của Nga. Ông cho biết Nga và Mỹ hiện đã có sự hiểu biết chung về vấn đề này: “Nga và Mỹ hiện có một sự hiểu biết chung về nhu cầu giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Các cuộc đàm phán tại Riyadh chủ yếu về vấn đề kỹ thuật, mặc dù vẫn còn nhiều khía cạnh khác của cuộc xung đột cần giải quyết.”
Ngoài lệnh ngừng bắn tại Biển Đen, hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề khác, bao gồm lãnh thổ, ranh giới kiểm soát giữa Nga và Ukraine, cũng như quyền sở hữu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột Ukraine, giảm bớt sự ủng hộ ngoại giao dành cho Ukraine và không còn chỉ trích Nga mạnh mẽ như dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, tuần trước, Nga đã bác bỏ đề xuất của ông Trump về lệnh ngừng bắn toàn diện 30 ngày tại Ukraine. Đến nay, các bên chỉ đồng ý tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Tổng thống Putin cũng cho biết ông sẵn sàng thảo luận về hòa bình, nhưng Ukraine cần từ bỏ các yêu cầu về lãnh thổ và tham vọng gia nhập NATO.